TRÀ CỤ VIỆT DU NHẬP XỨ PHÙ TANG

Close
Đăng Ký

TRÀ CỤ VIỆT DU NHẬP XỨ PHÙ TANG

Thật đáng tự hào, dòng Trà khí Việt đã lưu dấu ấn sâu đậm và góp phần trong việc làm thăng hoa Trà Đạo Nhật bản. Rõ ràng, trà cụ Trung hoa đã từng song hành du nhập Nhật từ thế kỷ thứ 7-8. Vì vậy sự kiện Trà khí Việt  đoạt chiếm vị trí của Trà khí Trung hoa trong văn hóa Trà đạo Nhật là sự kiện hi hữu, chứng tỏ “chất hồn”, cũng như nghệ thuật gốm trà Việt đã đạt đến một đỉnh cao đáng để tôn vinh.

Trịnh Quang Dũng

Ngược dòng thời gian truy tìm trà cụ Việt ẩn dấu ở xứ sở Phù Tang

Mãi tới cuối thế kỷ 20, nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt, ngỡ ngàng khi biết trà cụ Việt đã đóng góp nhiều mẫu trà khí dùng trong trà đạo Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ và được giới trà nhân Nhật bản trân trọng lưu giữ cho tới ngày nay. Cố Gs.Trần Quốc Vượng trong tài liệu nghiên cứu của mình từng khẳng định: “Chính người Nhật thừa nhận ảnh hưởng yếu tố ngoại sinh của trà cụ Nhật từ Việt nam nhiều hơn từ Trung Quốc”. Thật đáng tự hào, dòng Trà khí Việt đã lưu dấu ấn sâu đậm và góp phần trong việc làm thăng hoa Trà Đạo Nhật bản. Rõ ràng, trà cụ Trung hoa đã từng song hành du nhập Nhật từ thế kỷ thứ 7-8.Vì vậy sự kiện Trà khí Việt  đoạt chiếm vị trí của Trà khí Trung hoa trong văn hóa Trà đạo Nhật là sự kiện hi hữu, chứng tỏ “chất hồn”, cũng như nghệ thuật gốm trà Việt, đặc biệt là gốm trà Chu Đậu đã đạt đến một đỉnh cao đáng để tôn vinh.

 

Như ta đã biết, cho tới thế kỷ XIII, nghề gốm của Nhật Bản vẫn chưa thật phát triển. Hiện ở Tokyo còn lưu giữ bộ GaiBan SuSô (1559-1764), ghi chép khá đầy đủ mối bang giao, thương mại giữa các chúa dòng Tokugawa (Mạc Phủ) với chúa Trịnh (Phủ Liêu) ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tư liệu lưu trữ cho biết; các tàu buôn của Nhật Bản theo chế độ “Châu ấn thuyền”đã tới Phố Hiến (Hưng Yên), Vân Đồn-An Quảng (Quảng Ninh), Kẻ Chợ-Đông Kinh (Hà Nội) và Hội An (Quảng Nam), Thuận Hóa-Phú Xuân (Huế). Nhiều thương gia Nhật Bản đã đến giao thương với  Đại Việt thậm trí cư trú tại Phố Hiến và đặc biệt họ quần cư đông đảo ở Hội An. Các thương gia Nhật Bản mang sang mua về đồ gốm sứ, vàng, thiếc, xạ hương, sa nhân, quế, hồ tiêu, tơ lụa, bông, vây cá, gạo… Lịch sử thương mại Nhật-Việt được xác nhận bắt đầu từ thế kỷ XV và đạt đỉnh hoàng kim trong thời “Châu Ấn Thuyền” (1592-1635)[220]. Trong 30 năm đầu thế kỷ  XVII, 356 giấy phép đã được cấp và  50% dành cho thương mại ở ĐNA và 25% số thuyền này đã tới giao thương ở các cảng của Đại Việt. Con số chính xác được ghi nhận: 87 chuyến tới Đàng Trong và 37 chuyến tới Đàng Ngoài, tổng cộng 124 chuyến tới Đại Việt, vượt xa số lượng thuyền buôn Nhật đến các nước trong khu vực. Đại Việt cũng chủ động cử thuyền buôn tới Nhật: “…còn loại thuyền đi biển xa là thuyền của các quốc gia và khu vực lãnh thổ ĐNA như: Tonkin (Đại Việt), Quảng Nam (Cochinchina), Champa…. Điều cần chú ý là các thuyền đến từ ĐNA, có không ít thuyền là do chính quyền sở tại cử đi” [220]. 

Vào thế kỷ 16 có vùng đất Nakashima (Tokyo ngày nay), nên một gia tộc đã lấy họ là Nakashima. Năm 1630 Nakashima Meien về sống tại một hiệu buôn ở Kyoto, tướng quân Asikaga Yoshi thường tới gia đình ông uống trà và vì vậy theo truyền thuyết họ Chaya (quán trà) ra đời từ đó. Dòng họ này rất thân cận với Chúa Togugawa, nên đã được trao quyền lo hậu cần và tài chính quốc gia đồng thời quả lý việc cấp  giấy phép Châu ấn cho các thương thuyền đến và đi từ Nhật bàn. Nhờ vậy Shinrokuro đời thứ 2 nhà Chaya đã  theo Châu ấn thuyền nhiều lần sang Faifo (Hội An). Gia phả dòng họ ghi chép rõ : “ Thời vua Khánh Tường, ông tổ chúng tôi là Chaya Shinrokuro đã đến nước Giao chỉ”. Người từng lấy trà làm họ Chaya chắc chắn đã mua về Nhật rất nhiều gốm trà Việt và cuộc hành trình lịch sử ấy đã được ông cho vẽ thành bức tranh nổi tiếng với kích thước khổng lồ 78cm X 4m98: Giao Chỉ quốc

mậu dịch độ hải đồ (Chuyến buôn bán tới nước Giao Chỉ. Hiện báu vật này vẫn được  lưu giữ tại chùa cổ Jomyo Genchozan tọa lạc trên phố Tsutsui thành phố Nagoyatừng  được Chaya Choi xây dựng vàoo năm  Khánh An thứ hai (1649) để cầu siêu cho tướng quân Tokugawa Ieyasu [222].

Vậy là đồ gốm, gốm trà Việt được các thương gia Nhật Bản mua về khoảng từ thế kỷ XV và nhiều nhất vào khoảng thế kỷ XVII, chủ yếu là phục vụ cho giới quý tộc và đã tham gia tích cực vào nghi lễ Trà đạo truyền thống của Nhật Bản. Chúng  được coi là mặt hàng quý giá, có tính mỹ thuật cao. Phần lớn gốm sứ tráng men của Đại Việt có niên đại thế kỷ 14-15 đều đến từ Dazaifu nằm trong địa phận chùa Kanzeonji và Hakata. Trong 3 hiện vật gốm trà men nâu (Dazaifu), hai món được khai quật ở ngôi mộ có niên đại năm 1304. Cho tới nay, chúng được coi là những hiện vật gốm trà Việt đầu tiên được đưa vào đất Nhật Bản. Trong thế kỉ 15 và 16, vương quốc Lưu Cầu-Ryukyu (Okinawa ngày nay) đóng vai trò chính trong nền thương mại quốc tế. “…Chỉ riêng năm 1593, 8 thuyền buôn của Lưu Cầu đã đến buôn bán ở ĐNA…(trong đó) 3 thuyền đến Annam”[220]. Một số hiện vật gốm trà men lam Việt tiêu biểu từ thời kì này phát hiện ở Lưu Cầu.

Nhà nghiên cứu uy tín về gốm sứ Việt ở Nhật, bà Morimoto Asako đã xác lập rõ 4 thời kỳ của gốm sứ Việt Nam du nhập vào Nhật với những khác biệt khá rạch ròi: a/ Giai đoạn 1300-1400; b/ Giai đoạn 1400-1500; c/ Giai đoạn 1500-1650 và d/ Giai đoạn 1650-1700. Trong ghi chép của bà Morimoto có gần 100 hiện vật là gốm sứ tráng men Đại Việt. Bà mô tả các thương nhân Nhật từng coi đồ gốm trà Việt là một mặt hàng chủ yếu cùng với tơ sống, lụa so với các loại hàng hóa khác. Gốm sứ Đại Việt đóng vai trò “chìa khóa” trong hệ thống thương mại vùng đảo ĐNA như là vật thay thế cho gốm sứ tráng men Trung hoa. Gốm sứ Đại Việt luôn là những của quý hiếm và vật hiếu kỳ hơn là một vật dụng cần thiết. Bước đầu các nhà nghiên cứu Nhật kết luận: Tuy đồ gốm trà Việt chưa phải là thứ hàng nhập cảng quan trọng nhất trong thương mại, song chúng đã vươn lên vị trí hàng đầu vào thời hưng thịnh của Trà đạo Nhật [72]

● Trà cụ Việt lưu giữ trong các viện Bảo tàng Nhật

Hiện ở Nhật Bản, 20 Bảo tàng có sưu tập đồ gốm Việt Nam, phần lớn những món đồ ốm quý giá nhất thuộc về bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và bảo tàng gốm sứ Kyushu với khá nhiều hiện vật gốm trà. Ta hãy dạo một vòng qua các bảo tàng xứ hoa Anh đào để chiêm ngưỡng những tuyệt tác gốm trà Chu Đậu, gốm trà Việt của ông cha.

Bảo tàng Mỹ thuật Nê Zu-Tokyo: Giới sưu tấm và nghiên cứu đã phát hiện nhiều trà cụ có niên đại thế kỷ thứ XVII, thiết kế kiểu dáng Nhật Bản nhưng được trang trí với hình vẽ Việt và loại khác có bút pháp của nghệ nhân Việt nhưng họa tiết lại đặc thù Nhật Bản. Từ những hiện hữu đó, có thể khẳng định rằng đã có một dòng TCKK được người Nhật đặt làm tại Đại Việt.

Hũ sành Nawasudase chứa nước ngọt cho nghi lễ Trà đạo có niên đại thế kỷ 16. Dưới phần gờ miệng là trang trí diềm sóng và vặn thừng. Tòan thân được vuốt bằng gạt tre tạo nên kiểu kẻ sọc như vải nhung kẻ xéo rất lạ mắt.

▪ Bát uống trà men lam vẽ những đóa hoa Sen, nó thuộc di sản của ngài Kanamôri Soa, một nhà quý tộc và trà sư bậc thầy của Trà đạo Nhật Bản vào thế kỷ thứ XVII.

Bát trà vẽ trang trí Chuồn chuồn, lối vẽ công bút, kiểu thức men nhòe, một thủ pháp nghệ thuật đặc hữu trên các sản phẩm của lò Chu Đậu. Tuy nhiên, những đồ trà vẽ chuồn chuồn không thấy phổ biến trong trà cụ Việt. Theo bản báo cáo của Morimura, đã tìm thấy 1 mảnh vỡ của chén trà được trang trí chuồn chuồn ở lâu đài Takatsuki, phía tây Osaka. Không một chén trà chuồn chuồn nào để lại dấu vết về chủ nhân sở hữu chúng. Tuy nhiên, chắc chắn chúng có nguồn gốc Chu Đậu bởi đặc điểm sử dụng kiểu thức men nhòe và niên đại trong thế kỷ 16

Bảo tàng Machida : Bảo tàng Machida-Tokyo, nơi có bộ sưu tập gốm Việt Nam vào loại hoàn hảo nhất trong các sưu tập đồ gốm Việt Nam ở nước ngoài. 3 chiếc đĩa gốm trà Chu Đậu là cổ vật quý của Bảo tàng. Phần lớn những món đồ gốm trà Việt Nam trong Bảo tàng  Machida là quà tặng  của ông Yamada Yoshio – một thương gia kiêm nhà sưu tập, từng sang làm ăn buôn bán ở Việt Nam từ trước thế chiến II. Ông đã bỏ nhiều công sức và sưu tầm được nhiều món gốm trà quý giá mang về Nhật Bản. Trước lúc qua đời ông đã hiến trọn bộ sưu tập này cho bảo tàng Machida quê hương ông.

▪ Tước trà men nâu hoàn hảo cao 11,5cm, trong lòng tước phủ men hoa lam. Vành miệng tước trang trí  hoa dây, bên ngoài chế tác kiểu thức “bắp ngô mẩy hạt” rất đặc biệt. Chiếc thứ hai hoàn toàn phủ men lam, chủ đề  trang trí hoa lá ở thế kỷ 15-16 của dòng Chu Đậu. Trên đường diềm trang trí vành hoa dây, phần giữa thân tước dải hoa cúc nối vòng liên tục. Dưới đáy lại vẽ cánh hoa sen cách điệu. Một bát trà men nâu, trong lỏng phủ men trắng ngà niên đại TK 13-14. Cả ba hiện vật đều do ngài Nakamura Sanshiro hiến tặng cho bảo tàng [72].
Bảo tàng Mỹ thuật Osaka: Tại đây, trưng bày một bát men ngọc “An Nam” của ông Kimura, một nhà sưu tầm đồ cổ Việt Nam khá nổi tiếng. Bát trà có màu men, hình dáng và hoa văn rất giống với kiểu thức trang trí trên hiện vật ở bảo tàng Topkapi Saray Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đáng chú ý là màu men ngọc trên bát trà An Nam khác hẳn với men ngọc của Long Tuyền (Trung Quốc), Sukhothai, Sawalakok (Thái Lan). Dáng tạo hình cũng phân biệt hẳn bởi kiểu thức chân bát rất cao chắc chắn. Dưới trôn bát quyét lớp oxyt sắt khi qua lửa cho mầu bã trầu mà giới chuyên môn gọi là “đáy quyết trầu”, một đặc hữu riêng của gốm trà Việt thế kỷ 12-14. Những ngày cuối năm 1990, ở khu chợ trời Lăng Cha Cả Tp.HCM, 2 bát trà  men ngọc hoàn chỉnh, giống hệt hiện vật ở BTMT Osaka đã được bày bán. Điều này cho thấy loại bát trà An nam này đã từng một thời phổ biến trên cả hai thị trường Việt-Nhật.

Gốm trà Namban: Gốm sứ Namban dường như được du nhập vào Nhật sớm hơn. Chúng từng xuất hiện trong ghi chép của các gia tộc Nhật từ thế kỉ 15. Phần lớn gốm trà Namban và shimamono lưu truyền trong gia tộc Nhật là đồ gốm để mộc không tráng men, tuy nhiên một số được áo lớp men da lươn mỏng ánh mầu kim loại. Gốm trà Namban xuất hiện nhiều từ giữa thế kỉ 16, khi nó được chính thức đưa vào danh sách của những vật dụng phục vụ nghi lễ tiệc trà. Chúng được dùng đựng nước pha trà. Chính loại gốm trà Namban đã tăng nguồn cảm hứng, khích lệ cho việc sản xuất những bản sao gốm trà Namban Việt ở các lò gốm Bizen và Shiragaki của Nhật. Hình ảnh đầu tiên về loại gốm trà Namban này xuất hiện như thống sành đựng nước pha trà trang trí kiểu kẻ sọc giống những ghi chép về bữa tiệc trà tổ chức vào năm 1610 ở Osaka. Dựa trên một số tài liệu khác, các nhà nghiên cứu xác nhận vị chủ nhân trước của chiếc bình này là người đứng thứ 2 trong chính phủ Tokugawa. Chính địa vị cao của nhân vật này đã thành thước đo giá trị cho loại gốm trà Namban vào đầu thế kỉ 17. Từ những mô tả trên hộp gỗ của chiếc thống nói trên, tra cứu qua nhiều tài liệu lưu trữ, các chuyên gia tìm ra được chủ nhân của nó chính là của viên chiến tướng kiêm trà sĩ  Kobori Enshu (1579-1647). Dấu vết đầu tiên giúp các chuyên gia tình cờ phát hiện ra nguồn gốc xuất xứ Việt của chiếc thống nhờ bức ảnh minh họa trong bài báo năm 1989 về lò gốm Chu Đậu. Tại miền Trung Việt Nam, nhà nghiên cứu Morimoto Asako đã tìm thấy các mảnh vỡ tương tự với một loại thống Namban khác được biết đến ở Nhật dưới tên gọi Shimekiri và là quê hương của loại bình Kiritame cao lêu nghêu dùng cắm hoa mới cắt trang trí trong Trà thất. Loại bình gốm Việt có tên Chimaki, được nhập cảng vào Nhật khỏang thế kỷ 16-17. Sang thế kỷ 19, chúng đã được Nhật hóa, sản xuất ngay tại Kyoto. Nguồn hiện vật chính của những loại dụng cụ trà kiểu Namban là bình đựng nước pha trà hình quả trứng biết đến qua tên Imogashira, một loại gốm trà Namban Việt có gốc gác xưa nhất. Một bình Imogashira khác được xác định thuộc sở hữu của nhà kinh doanh trà, ngài Sen no Rikyu (1522-1591) ở vùng Sakai  và một chiếc nữa được sở hữu bởi chiến tướng Toyotomi Hediyoshi (1537-1598), ông là trà sinh của trà sư Rikyu vùng Sakai.

Gốm trà Annam: Gốm trà Việt mang tên Annam là loại trà cụ đã được tráng men. Chúng là những trà cụ được dùng trong Trà đạo như: bình hoa, âu, thống đựng nước, bát uống trà và hộp đựng trà. Những món trà cụ này được giới nghiên cứu xác nhận chúng rất phù hợp với trà đạo và gu thẩm mỹ người Nhật. Đặc biệt họ còn chứng minh được: Một số món món trà cụ được đặt hàng đặc chế riêng cho trà đạo Nhật. Hiện vật tiêu biểu cho loại gốm trà nay là loại bát trà Annam cao, dáng chuông. Chúng có đặc điểm chung bởi lớp men tráng màu trắng ngà và trang trí rất đơn giản chỉ vẽ vòng tròn màu lam bao quanh một chữ hán được viết ở đáy. Đáy bát có vòng khuyên không phủ men trơ cốt đất sét (đặc điểm kỹ thuật chống dính của gốm Việt). Vòng quanh miệng bát chạy một đường chì hoặc đường diềm men lam thẫm. Một số bát trà An nam  đã được tìm thấy tại ở Sakai, chùa Negoro và lâu đài Osaka. Nhóm bát trà khác có kích thước nhỏ hơn. Kiểu này có dáng hình trụ với miệng thẳng, chân đế lớn và rộng. Với lớp men lót trắng được phủ lên trên một lớp áo men vàng, dưới đáy có 3 chấu chân kê. Thân bát trà hình trụ này thường được bóp méo bởi bàn tay của người thợ gốm để tạo ra mặt cắt hình trứng không đều. Loại bát khác được gọi là bát chuồn chuồn, đặc trưng bởi nét vẽ màu lam xanh đen mờ ảo. Một số khác vẽ trang trí motip tôm, chim, tre và lau..đặc thù của gốm trà Chu Đậu, Bát tràng Đại Việt. Loại bát trà có tên Shibori-de, kiểu men Tam Thái đa sắc, rất được ngưỡng mộ bởi sự hài hòa của chúng với thứ vải nhuộm chàm của Nhật. Các học giả Nhật đã nghiên cứu kỹ và đi đến kết luận: Một số kiểu chén này được đặt ký kiểu theo yêu cầu của thị trường trà cụ phục vụ Trà đạo Nhật bởi chúng có các mô tip khác biệt với chuẩn mực cơ bản của trà cụ Việt. Đặc biệt là kiểu thức chén trà bóp méo một cách chủ ý, hòan  tòan xa lạ với thói quen chế tác đăng đối ở trà cụ Việt.

Trà cụ Việt gia truyền trong các đại gia tộc Nhật: Phần lớn gốm sứ Việt được bảo tồn, truyền đời trong các đại gia tộc Nhật đều là đồ dùng trong trà đạo. Gốm trà Việt dùng trong Trà đạo thường được gọi tên Annam hay Namban, nhờ đó mà xác định chính xác xuất xứ Việt của chúng. Gốm trà Việt có ý nghĩa quan trọng trong các buổi Trà đạo cùng với sự hưng thịnh của các “Trà Thất” truyền thống Nhật vào khoảng thế kỷ 16-17. Một số hiện vật nổi tiếng được giữ gìn, tài liệu về chúng được xuất bản nhiều lần, càng ngày càng hấp dẫn dư luận và gần đây đã đem lại một xu hướng thích thú mới dành cho dòng gốm trà Việt gia bảo của các đại gia tộc Nhật Bản.

Gia tộc Tokugawa (1603-1868): Dòng họ Tokugawa thuộc hàng danh gia thế phiệt bậc nhất Nhật bản. Chính dòng họ này đã khai lâp nên thời Mạc Phủ, trị vì Nhật Bản hơn 250 năm. Đây là thời đại quân chủ phong kiến theo kiểu “Lưỡng đầu chế ” đương thời Vua Lê-Chúa Trịnh ở Việt Nam. Dù có vua, song thực sự quyền điều hành đất nước thuộc về các vị Tướng quân(Shotgun) dòng họ Tokugawa. Trong các Phủ đệ nhà Tokugawa, còn lưu giữ nhiều trà cụ, đồ gốm Đại Việt quý giá.

Tokugawa Ieyasu (1543-1616) là vị chúa khai sáng, lập nên triều đại nhà Togugawa.
 ▪ Món gốm trà Đại Việt đặc sắc được tìm thấy trong số đồ sở  hữu của vị chúa lừng danh Tokugawa Ieyasu là chiếc bát vẽ men màu Tam Thái có tên Beni Annam, niên đại 1616 thực sự là một báu vật vô giá vinh danh nghệ thuật trà cụ Đại Việt…Bát trà được trang trí chủ yếu với men xanh lá cây, đỏ và vẽ điểm nước vàng. Kiểu bát này chỉ còn lại hai cái ở Nhật, chúng được biết đến với cái tên là Beni Annam, ngầm chỉ sắc men đỏ vốn rất được sùng bái ở xứ xở mặt trời. Chiếc bát này rất có thể là quà tặng của cô O-Natsu, tình nhân của vị tướng quân, người được ông ưu ái cấp cho giấy phép Châu Ấn Thuyền sang ĐNA buôn bán.

▪ Đặc biệt có một chiếc âu men hoa lam quý báu đựng nước dùng trong Trà đạo. Nó co kiểu thức trang trí cung đình, họa rồng mây rất nổi tiếng ở Nhật.Âu bị mất nắp ngoài, chỉ còn nắp phẳng bên trong. Trên phần vai có bốn chấu đắp nổi tiện cho việc bưng bê.

Tokugawa Owari: là chi tộc khởi đầu từ Tokugawa Yoshinao (1601-1650), con trai thứ chín của vị tướng quân Tokugawa Ieyasu đóng bản doanh tại lâu đài Nagoya. Chi tộc này đang lưu giữ khá nhiều gốm trà Việt.

Bát trà gia bảo Beni Annam thứ hai của đại gia tộc Togugawa hàng ngày thưởng trà đang lưu giữ ở lâu đài Nagoya (BT Nagoya). Trên chiếc chén này, dấu ấn chủ đạo với men xanh lá  cây, đỏ và được tô vàng nước, các hoa tiết trang trí hầu như đã bay mầu theo dòng thời gian. 
Chủ nhân của chén trà này cho biết nó là một bản sao hợp pháp bởi nghệ nhân xưởng gốm Ofuke-Nhật, chế tác riêng cho nhà Owari Tokugawa, cao 8,9cm, đường kính miệng 14,1cm. Bản sao đó được áo lớp men trắng và vẽ trang trí bằng men lam xám, nhưng không được phủ nước men áo ngoài, chính vì thế đã bị bay mầu theo dòng tời gian trong khi chiếc bát Beni Annam Việt (gốc) vẫn giữ sắc độ mầu khá tốt.

Thống sành Namban đựng nước pha trà: Ban đầu món đồ trà này thuộc về trà sĩ bậc thầy nổi tiếng vùng Sakai, ngài Takeno Joo (1502-1555) và sau đó hiện vật được chuyển vào bộ sưu tập của vị chúa khai nghiệp Tokugawa Ieyasu (1542-1616) và cuối cùng nó được giao lại cho chi tộc Owari Tokugawa. Phía trong chiếc bình được tráng một lớp men da lươn mỏng mầu nâu đen ửng vàng. Một số khác, lớp men được tráng ở bên ngoài, trông mộc mạc, hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên.
Tokugawa Yoshiharu (1737-1786): là đời tướng quân thứ 10 của dòng Tokugawa. Togugawa Yoshiharu, vị tướng quân nắm quyền trị vì nước Nhật  26 năm từ 1760. Gia tộc ông lưu giữ nhiều gốm trà Việt cổ quý báu.

Bình men lam Byakue, niên đại giữa thế kỷ thứ 15, biểu tượng cho Phật Quan thế âm

Bồ tát. Hiện vật này đang được chính phủ Nhật xem xét công nhận là di sản văn hóa (xếp trong danh sách di sản quốc tế). Tuy nhiên các chuyên gia chưa hoàn tòa nhất trí về vai trò của nó như là bình hoa dùng trong Trà đạo, hay chỉ là bình đựng nước thờ.

Gốm trà Việt thuộc các Tướng lĩnh-Thương gia

Một bát trà Annam được biết là của Katagiri Sekishu (1605-1673), ông là võ sĩ đạo danh tiếng, đồng thời cũng là một trà sư dạy trà đạo có uy thế phục vụ chính quyền Tokugawa giữa thế kỉ thứ 17.
Hai chiếc âu Việt cổ đựng nước hành lễ Trà đạo đã được phát hiện trong bộ sưu tập của người Nhật thế kỉ 17. Một âu thuộc gia tộc Konokei, thương nhân nổi tiếng ở Osaka với bộ sưu tập trà cụ quý giá. Cái ấm có nắp hình chóp cầu với quai nắp  kiểu bán nguyệt. 4 chấu nhỏ để xỏ dây treo cách đều nhau trên phần vai, ngay dưới đường diềm lớp cánh hoa sen cách điệu đắp nổi. Một cái âu khác cùng kiểu dáng, thuộc sở hữu nghệ nhân trà đạo danh tiếng ở Kyoto, ông Kanamori Sowa (1584-1656). Ông còn được biết đến như là người đỡ đầu cho nghệ nhân gốm Nonomura Ninsei. Nắp của âu bị thất lạc, đã được N. Ninsei chế thay thế bằng 2 nắp gốm sứ với kiểu dáng khác, một nắp bằng bên trong và nắp hình cầu dậy ra ngoài. 
Gia tộc thương nhân Ozawa: Bộ sưu tập gốm sứ Việt của thương nhân Ozawa Shiroemon Mitsunaka đem từ Hội An về năm 1630 vả người trong dòng họ Ozawa Shiroemon đem về năm 1638. Hai hiện vật trong bộ sưu tập của gia tộc Ozawa được cho là đồ trà được làm sẵn không phải là món hàng đặt. Âu đựng nước hình quả lê men hoa lam miệng rộng có nắp. Hai chấu hình rồng đắp nổi trên thân và mô típ rồng thời Lý-Trần đắp nổi trang trí ở hai mặt chính diện. Các khoảng trống trên thân đề chữ Phúc-Lộc-Thọ theo kiểu men nhòe Chu Đậu. Âu đựng nước dường như được làm theo gu thẩm mỹ  người Việt để chứa đồ uống, Ozawa mua nó khi tới Đàng Trong khoảng đầu thế kỉ 17. Tuy nhiên, hiện vật được giới chuyên môn xác định có niên đại trong khoảng thế kỉ 11-13. Dường như, Ozawa đã mua nó hay được tặng như một món đồ cổ quí giá.
Trà cụ Kao Chi-Nhật: Thế kỷ 16-18, gốm trà Kao Chi (Giao chỉ) du nhập vào Nhật bản và đã rất được ưa chuộng, thậm trí chúng là mẫu vật cho cá nghệ nhân bắt chước chế tác cho thấy sự ngưỡng mộ chúng trên đất nước Phù tang. Gốm trà Việt đã có mặt trong những bữa tiệc trà truyền thống của Nhật suốt thời gian dài kể cả đồ gốm trà mộc không tráng men cùng với đồ tráng men[72]. Nhà nghiên cứu người Nhật, Ông Hasebe Gakuji nhận định rằng: “Sự có mặt của đồ gốm Đại Việt ở Nhật Bản có ảnh hưởng lớn đến một số lò gốm của quốc gia này, tạo ra phong cách mô phỏng theo gốm Việt Nam mà người Nhật gọi là gốm Kochi (Giao Chỉ) như lò gốm Ofuke ở Seto” [218]. Loại men hoa lam Việt đặc trưng với nét trang trí đơn sơ bởi sắc màu xám-xanh ẩn hiện sau lớp áo men trắng ngà dường như đã là chứng cớ xác nhận sự ảnh hưởng rõ nét tới đồ gốm trà hoa lam sớm được làm ở các lò gốm Nhật tại Seto, Mino, Sakai và Kyoto... Bản sao bát trà Beni Annam của xưởng gốm Ofuke từng được đặt chế tác riêng cho nhà Owari Tokugawa. Chiếc thống đựng nước Chimaki kiểu Việt dùng cho nghi lễ Trà đạo do xưởng gốm Kyodo chế tác hiện nằm trong bộ sưu tập thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Feer-Washington DC [72] và nhiềm món gốm trà Việt khác ở Nhật là những vật chứng  minh xác cho sự tồn tại của dòng gốm trà Kao Chi-Nhật.

Ngay từ  thế kỷ 16, người Nhật đã ưa chuộng gốm sứ Việt nói chung và trà khí nói riêng. Xâu chuỗi những tư liệu viết, bằng chứng khảo cổ và các hiện vật đang lưu giữ trong các đại gia tộc Nhật, các nhà nghiên cứu đi đến khẳng định rằng: Gốm trà Việt đã trở thành tâm điểm chú ý và rất hợp với gu thẩm mỹ của giới quý tộc, lãnh chúa Nhật từ nửa đầu thế kỉ 16
Với dáng vẻ bình dị bên ngoài gốm Việt chưa thể áp đảo ảnh hưởng của gốm Trung Hoa đến tầng lớp quý tộc, những trưởng lão thiền viện, cũng như các lãnh chúa, song sự hưng thịnh của Trà đạo từ thế kỷ XV đã nghiễm nhiên tôn vinh gốm trà Việt vào vị thế quan trọng ở Nhật [72]. Đa phần những trà sư khi thực hành nghi lễ Trà đạo, chắc chắn họ đều lựa chọn loại trà cụ có xuất xứ từ Kao Chi (Giao Chỉ-Đại Việt). Vùng Hirado, Sakai và khu liên hợp Seto-Mino, sản xuất bình chứa nước và các món gốm trà men lam thường được xem như là “gốm trà copy”, bởi dấu vết ảnh hưởng từ gốm sứ hoa lam Đại Việt quá rõ ràng. Những mẫu trà cụ được đặt hàng làm theo hai hiện vật được Ozawa Shiroemon Mitsunaka đem từ Hội An về năm 1630. Chúng được giới chuyên môn Nhật đánh giá và khẳng định: không hề giống với gốm sứ hoa lam Trung hoa, nhưng là “…một bản sao trung thực của gốm men lam Việt”. Những đánh giá này càng rõ ràng hơn với những bát trà Nhật được ghi chép trong Nhật ký của một buổi tiệc trà năm 1640, chiếc bát được miêu tả chi tiết, là hàng mới chế tác kiểu dáng như bát Annam[72].

Chính vì lẽ đó mà một dòng gốm Kaochi-Nhật  độc lập đã ra đời (dòng gốm Nhật nhái đồ gốm Giao chỉ-Đại việt). Loại gốm Kaochi-Nhật mô phỏng dòng gốm Chu đậu, được người Nhật gọi là Annam Yaki và loại mô phỏng gốm trà xứ Cochin (Đàng trong) gọi là Kochi Yaki. Các nhà sưu tầm truyền thống của Nhật đã đưa ra nhiều món đồ gốm trà tráng men, một loại dụng cụ dùng trong Trà đạo đặc biệt phù hợp với gu thẩm mỹ của người Nhật. Người Nhật gọi những đồ gốm không tráng men là Namban hay Shimamono [72]. Tài liệu về các loại gốm trà Việt khá phong phú, từ những nghi chép vắn tắt góp nhặt được đến sách giảng dạy của các nghệ nhân Nhật, rồi nhật kí thu thập được qua các thời kỳ phát triển Trà đạo….Tất cả đã  góp tiếng nói, làm sống lại thời kỳ sôi động của trà cụ Việt mà hồn cốt của chúng là gốm Chu Đậu trong Trà Đạo Nhật khi xưa.

 

Đông Kinh cư sĩ

Tp.HCM 2-2016