Cảm nhận từ Liên hoan Trà quốc tế lần I - 2011

Close
Đăng Ký

Cảm nhận từ Liên hoan Trà quốc tế lần I - 2011

Cảm nhận từ Liên hoan Trà quốc tế lần I - 2011

Text Box:  Chủ đề “Trà Việt hội nhập thế giới” trìnhdiễn vào đêm khai mạc-Ảnh:Việt Phương(9-15/11/2011)

Không khí Lễ hội trà quốc tế

Liên hoan trà quốc tế lấn thứ nhất-Thái Nguyên 2011 (LHTQT) có ý nghĩa quan trọng với văn hóa chè, nghành chè Việt nam. LHTQT lần này đã mở rộng cánh cửa để chè Việt thông ra thế giới. Đại diện từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Phần Lan, Srilanka, Lào, Đài loan, 44 làng chè nổi tiếng Thái Nguyên cùng hơn 3.000 khách quý hội tụ về Thái Nguyên làm nóng lên bầu không khí lễ hội của liên hoan. Đêm khai mạc diễn ra cực kỳ sôi động với những màn trình diễn nghệ thuật hoành tráng đầy ý nghĩa tái hiện quá trình hình thành phát triển và văn hóa trà từ các quốc gia trà hàng đấu thế giới. Sự hiện diện của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều đại diện các cơ quan chính phủ, đại diện Đại sứ quán 28 quốc gia cùng hơn 30 tổ chức quốc tế thực sự thổi luồng sinh khí cho LHTQT lần I, biến nó thành một sự kiện lớn về kinh tế, văn hoá - xã hội, nơi hội tụ của văn hóa trà Việt và thế giới, nơi tôn vinh người trồng chè, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu trà. Đêm 12/11/2011, suốt 120 phút ngập tràn trong âm thanh và ánh sáng lazer lung linh bao phủ một sân khấu nổi hiện đại, hoành tráng trên khu du lịch Hồ Núi Cốc đã chính thức khai mạc Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam 2011 trên mảnh đất “Đệ nhất danh trà”. Hàng chục sự kiện nhộn nhịp liên tục nối tiếp nhau: lễ hội carnaval trà, lễ hội uống trà, hội thi người đẹp xứ trà, hội thi Cây chè đẹp, hội thảo trà quốc tế…thay đổi hẳng bộ mặt của thành phố Thái Nguyên.  

Hội thi Cây chè đẹp với chủ đề "Cây Chè Việt Nam với thời gian" tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã mở đầu chuỗi hoạt động chào mừng LHTQT lần I. Hội thi đã thu hút 16 đội tuyển trong và ngoài tỉnh tham dự. Các đội thi đều từ những vùng chè  truyền thống có diện tích, năng suất chè vượt trội. Hội thi với hai nội dung chính: Rước, giới thiệu xuất xứ cây chè và thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc, chế biến chè. Hội thi đã trao giải Vàng cho cây chè đẹp nhất của huyện Đại Từ.

Ngày 10/11 vòng chung kết cuộc thi "Người đẹp xứ trà" một trong những hoạt động chính khác ở liên hoan trà quốc tế lần thứ nhất đã chính thức khai mạc. 51 người đẹp vượt qua 122 thí sinh đến từ đến từ 17 tỉnh thành trong cả nước dự thi vòng chung kết. Khác với các cuộc thi Hoa hậu thông thường, các thí sinh phải trải nghiệm qua thử thách  với cuộc ganh đua “Người đẹp hiểu biết về chè và văn hóa trà” là tiêu chí quan trong nhất để “đăng quang” người đẹp xứ trà. Đêm chung kết diễn ra hôm 15-11-2011 và vương miện Hoa hậu được trao cho Nguyễn thị Hải Yến đến từ vùng trà Thái Nguyên danh tiếng.

“Đêm hội thưởng trà” với chủ đề "Tinh hoa trà Việt" trở thành trung tâm thu hút khách của LHTQT tới tham dự. Hàng loạt các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tái hiện không gian sinh hoạt văn hoá trà từ cội nguồn xa xưa của tộc Việt cơ sở khẳng định thêm Việt Nam là cái nôi của trà thế giới. 180 bàn thưởng trà, 100 trăm trà nương tham gia phục vụ pha trà, dâng trà mời khách đã khuấy động một không gian lễ hội nhộn nhịp chưa từng có. Buổi đại tiệc thưởng trà quy mô hoành tràng này đã lập nên kỷ lục Việt Nam: “hội ẩm trà lớn nhất” từ trước tới nay với hàng nghìn người cùng uống trà trong một thời điểm.

Trong khuôn khổ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Thái Nguyên và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức đợt trưng bày theo chủ đề “Cổ vật và trà ”, với hơn 100 hiện vật từ nhiều chất liệu khác nhau như: gốm sứ, đồng…Rất nhiều bộ trà cụ độc đáo, được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ XX đã lần đầu tiên ra mắt công chúng. Có những bộ trà cụ Việt tuyệt đẹp, được xuất sang Nhật Bản trong thế kỷ 17-18 khiến người xem sửng sốt, minh chứng về một thời hoàng kim của văn minh trà Việt. Trong LHTQT, Bộ ấm trà gắn gốm lớn nhất mang tên Ấm trà tri kỷ đã xác lập kỷ lục mới. Nó được tạo hình từ bê tông cốt thép và trang trí bằng nghệ thuật gắn gốm mosaic, cao 3m, đường kính 4,5m; ba chén trà, mỗi chén cao 1m, đường kính 0,8m. Bộ ấm chén được bài trí trên lá trà gốm có diện tích tới 45 m2 (8m x 5,6m). Các nghệ nhân cho biết tác phẩm được thực hiện ròng rã suốt 3 tháng. Cuộc thi ảnh “Hương sắc chè Việt” trong LHTQT của các nghệ sĩ đã  đóng góp nhiều tấm ảnh nghệ thuật đặc sắc cho văn hóa chè Việt.

Kết thúc Liên hoan trà quốc tế lần I, 46 cúp vàng đã được trao trong ba cuộc thi: Búp chè Vàng, Bàn tay Vàng và Văn hóa Trà Việt Nam. Ba kỷ lục Việt Nam mới cũng đã được thiết lập tại liên hoan lần này: Kỷ lục Bộ ấm trà lớn nhất; Kỷ lục Số bàn trà nhiều nhất và kỷ lục về số lượng khách thưởng thức trà đông nhất Việt Nam.

Giá trị tinh thần của Liên hoan trà quốc tế

Với chủ đề “Bay xa hương trà Thái Nguyên”, hội thảo quốc tế về chè lần đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 13/11/2011 tại Đại học Thái Nguyên như một điểm nhấn quan trọng, một giá trị tinh thần ghi nhận trong hoạt động của Liên hoan trà quốc tế lần này.

Về dự hội thảo có các đại biểu từ 3 nước:  Trung Quốc, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài loan. Ngoài ra hội thảo còn có sự hiện diện của ngài Manuja Peiris chủ tịch Ủy ban Chè thế giới và bà Barbara Dufrene cựu  chủ tịch Ủy ban chè Châu Âu, cố vấn tạp chí La nouvelle press du the (Tin tức mới về Chè) Pháp. Đông đảo các nhà khoa học, các doanh nghiệp chè việt Nam , các nhà nghiên cứu văn hóa…đã tham dự hội thảo với ước muốn đưa nghành chè Việt Nam cất cánh bay cao xứng đáng với tiềm năng của quốc gia chè hàng thứ 5 trên thế giới. 10 tham luận tại hội thảo đã chỉ rõ con đường phát triển của nghành chè, không chỉ hướng ngoại mà cần khai phá tiềm năng tiềm tàng của thị trường nội địa với 85 triệu dân. Các ý kiến tham luận tại Hội thảo lần cũng tập trung về biện pháp, công nghệ chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm chè, nâng cao giá trị thương hiệu của chè Việt Nam. Số liệu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết hiện cả nước đã phát triển 131.487 ha chè, đạt sản lượng trên 165 nghìn tấn chè khô, giải quyết việc làm cho 400.000 hộ sản xuất của 35 tỉnh trong cả nước và đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm.
 
Đặc biệt tại hội thảo quốc tế này, lần đầu tiên chủ đề “Văn minh trà Việt” được tôn vinh và trình bày một cách sinh động, đầy đủ nhất gây nhiều bất ngờ và thích thú  cho các đại biểu tham dự. Bằng hàng loạt những chứng cớ lịch sử, khảo cổ, nhân chứng, vật chứng nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng (Tp.HCM) đã khẳng định nền văn minh trà Việt sớm nhất trên thế giới và là “cái nôi” của chè thế giới. Hội thảo đã bị thu hút bởi những cứ liệu sống động đầy thuyết phục từ cuốn sách “Văn minh trà việt” của diễn giả. Lãnh sự danh dự nước cộng hòa Uzebekistan đã đề nghị được chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Nga để phổ biến ra quốc tế về nghệ thuật thưởng thức và lịch sử văn minh trà Việt.
Các nhà nghiên cứu văn hóa tại hội thảo đã chỉ rõ: “chè Việt chỉ có thể gia tăng giá trị nếu được kết nối với văn hóa  trà đặc sắc Việt, mới thêm thế mạnh vượt lên cạnh tranh trên trường quốc tế”, kinh nghiệm này đã được Trung quốc và Nhật bản thực hiện rất bài bản đạt hiệu quả kinh doanh cao.